Cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam: Cơ hội mở rộng thị trường với mô hình nhượng quyền
1. Tình hình phát triển thị trường cửa hàng tiện lợi
Thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong bối cảnh đô thị hoá mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế ổn định. Cửa hàng tiện lợi với đặc điểm hoạt động thuận tiện 24/7, có thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm thiết yếu, đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh ngành bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn.
Theo các dự báo kinh tế, quy mô nền kinh tế Việt Nam đang không ngừng mở rộng. Tổng GDP danh nghĩa của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 672 tỷ USD vào năm 2029, tăng mạnh so với mức 430 tỷ USD vào năm 2023. Song song đó, GDP bình quân đầu người cũng được dự đoán tăng từ 4.620 USD (2024) lên hơn 6.400 USD vào năm 2029, cho thấy thu nhập và sức mua của người tiêu dùng đang không ngừng cải thiện. Thói quen mua sắm của người tiêu dùng ngày càng có sự thay đổi rõ rệt, thay vì đến siêu thị lớn hay chợ truyền thống, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những điểm bán nhỏ gọn, gần nhà, giúp tiết kiệm thời gian.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cũng đang tích cực mở rộng tại Việt Nam – một thị trường trẻ, năng động và đầy tiềm năng. Đặc biệt, mô hình nhượng quyền thương hiệu ngày càng phổ biến, cho phép các thương hiệu mở rộng quy mô nhanh chóng với chi phí đầu tư hợp lý, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương tham gia vào lĩnh vực bán lẻ.
2. Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam
Việc các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam phát triển, mở rộng nhanh chóng không phải là ngẫu nhiên, mà xuất phát từ nhiều yếu tố thuận lợi trong bối cảnh kinh tế và xã hội hiện nay:
- Đầu tiên, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho sự tiện lợi. Thay vì chỉ chú trọng giá cả, người tiêu dùng hiện nay quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm và chất lượng dịch vụ – đây là nền tảng vững chắc thúc đẩy mô hình cửa hàng tiện lợi phát triển.
- Quá trình đô thị hoá mạnh mẽ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, hình thành nên các khu dân cư đông đúc với nhịp sống nhanh. Người dân ngày càng ưu tiên sự tiện lợi trong việc mua sắm hằng ngày, mở ra cơ hội lớn cho ngành bán lẻ hiện đại.
Cửa hàng tiện lợi cũng đã và đang đáp ứng tốt xu hướng tiêu dùng hiện đại: với quy mô nhỏ gọn, vị trí dễ tiếp cận, danh mục sản phẩm đa dạng từ đồ ăn nhanh, nước uống đến các mặt hàng thiết yếu, mô hình này còn tích hợp các tiện ích như thanh toán điện tử, giao hàng nhanh, v/v… giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng trong nhịp sống đô thị bận rộn.
Sự phát triển mạnh mẽ của cửa hàng tiện lợi cũng được phản ánh rõ qua số liệu từ năm 2019 đến 2023, số lượng điểm bán cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng đều đặn, đạt gần 1.100 cửa hàng vào năm 2023. Doanh thu từ mô hình này cũng tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng khoảng 17% trong giai đoạn 2022 – 2023, vượt trội so với các mô hình bán lẻ truyền thống khác như siêu thị hay minimart.
3. Cơ hội mở rộng thị trường và những thách thức khi triển khai mô hình nhượng quyền
Mô hình nhượng quyền đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn phát triển tại Việt Nam. Thông qua hình thức này, doanh nghiệp có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới cửa hàng, tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và tận dụng sự am hiểu thị trường của các đối tác địa phương để để tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Thách thức khi triển khai mô hình nhượng quyền:
Mặc dù mô hình nhượng quyền mang lại nhiều cơ hội mở rộng nhanh chóng, nhưng khi áp dụng tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là các thương hiệu nước ngoài, cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
- Thứ nhất, về pháp lý và quy định: Khung pháp lý liên quan đến nhượng quyền thương mại tại Việt Nam còn chưa được xây dựng đầy đủ, dẫn đến nhiều bất cập trong việc xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Bên cạnh đó, thủ tục cấp phép còn phức tạp, cùng với các quy định về an toàn thực phẩm không đồng nhất giữa các địa phương khiến quá trình mở rộng gặp nhiều trở ngại. Một số thương hiệu buộc phải điều chỉnh mô hình kinh doanh để phù hợp với yêu cầu địa phương, gây ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành và chuỗi cung ứng.
- Thứ hai, việc duy trì chất lượng sản phẩm và dịch vụ đồng đều giữa các cửa hàng nhượng quyền là một bài toán khó. Nhiều đối tác nhận quyền không tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vận hành, dẫn đến trải nghiệm khách hàng thiếu nhất quán. Các thương hiệu thường phải đầu tư đáng kể cho việc đào tạo, kiểm toán định kỳ và chuẩn hóa quy trình nhằm đảm bảo chất lượng và hình ảnh thương hiệu không bị ảnh hưởng.
4. Các Case Study trong thị trường cửa hàng tiện lợi
Để làm rõ về tiềm năng mở rộng thị trường thông qua mô hình nhượng quyền, hãy cùng điểm qua hai ví dụ điển hình từ các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam: Circle K và Ministop.
Circle K Vietnam: Mở rộng nhanh chóng thông qua mô hình nhượng quyền độc quyền
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008, Circle K chú trọng phát triển nhanh chóng mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu được cấp phép từ Circle K Hoa Kỳ, nhằm mở rộng thị phần và gia tăng độ phủ tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…Với sứ mệnh mang đến cho khách hàng một không gian mua sắm hiện đại, thân thiện và đáng tin cậy, Circle K không ngừng nâng cao trải nghiệm bằng cách đầu tư vào cơ sở vật chất tiện nghi cùng danh mục sản phẩm đa dạng, từ thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ ăn nhanh đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đến nay, Circle K đã có hơn 500 cửa hàng tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thông qua mô hình nhượng quyền, nhằm tận dụng lợi thế địa phương hóa và tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.
Ministop Vietnam: Chiến lược nhượng quyền để mở rộng nhanh chóng
Ministop, thuộc sở hữu của Tập đoàn Aeon Nhật Bản, chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2011. Khác với nhiều thương hiệu khác, Ministop định vị rõ ràng với sự kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi và cửa hàng thức ăn nhanh chế biến tại chỗ, với mô hình cửa hàng nhỏ, dễ tiếp cận. Với chiến lược nhượng quyền, Ministop đã tận dụng sự am hiểu thị trường của các đối tác địa phương để mở rộng nhanh, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư. Ministop cung cấp nhiều tiện ích như thanh toán điện tử, giúp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại của người dân thành thị. Đến nay, Ministop đã mở hơn 130 cửa hàng và tiếp tục mở rộng mạng lưới tại các khu vực tiềm năng .
Cả Circle K và Ministop đều cho thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình nhượng quyền trong việc mở rộng mạng lưới tại Việt Nam. Mặc dù mỗi thương hiệu có chiến lược và định hướng khác nhau, nhưng việc sử dụng mô hình nhượng quyền là yếu tố quan trọng giúp các thương hiệu này nhanh chóng phát triển và mở rộng mạng lưới cửa hàng tại thị trường bán lẻ đầy tiềm năng này. Những case study này cho thấy rõ tiềm năng của mô hình nhượng quyền trong ngành bán lẻ hiện đại, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của việc am hiểu thị trường bản địa trong chiến lược phát triển bền vững.
Kết luận
Thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng cũng đầy cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khi áp dụng mô hình nhượng quyền. Tuy nhiên, cơ hội phát triển vẫn vô cùng lớn đối với các thương hiệu quốc tế và các doanh nghiệp trong nước biết cách tận dụng lợi thế của sự thay đổi thói quen tiêu dùng và quá trình đô thị hóa.
Để mở rộng hiệu quả và bền vững, doanh nghiệp cần hiểu rõ thị trường, pháp lý và hành vi tiêu dùng địa phương. Với kinh nghiệm tư vấn thực tiễn tại Việt Nam và hiểu biết sâu sắc về cả văn hóa kinh doanh Nhật – Việt, Solara & Co sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược nhượng quyền và lựa chọn đối tác địa phương phù hợp.
Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
SOLARA & CO GROUP
✉️ Email: info@solara-c.com